Không ít các nhà đầu tư mới gia nhập nhưng đã mất hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng chỉ vì rót tiền mua ba chữ cái theo lời “phím” mà không hiểu tại sao lại mua hay bán, cơ sở hay tính xác thực của những căn cứ.
Trải 3 phiên giao dịch tăng điểm liên tục, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những bước tiến lịch sử khi VN-Index sau khi lập đỉnh mới đã tiếp tục “công phá” thành công ngưỡng quan trọng 1.500 điểm.
Nhìn lại ngay trước khi thị trường đạt đỉnh cao này, tâm điểm thu hút lại là những cổ phiếu thị thấp, những midcap hay penny liên tục tăng điểm bất chấp VN-Index có đang xanh rờn hay đỏ lửa. Không ít những sự tăng giá này chỉ xuất phát từ những lời đồn thổi không có căn cứ xác thực, truyền nhau qua các hội nhóm “phím hàng” trên Facebook, Zalo, Telegram… Nhà đầu tư khi ấy hồ hởi trong “men say” chiến thắng khi mức sinh lời hàng chục % thậm chí còn chưa thấy thỏa mãn.
Với việc chỉ cần quan tâm “3 chữ cái”, được “phím” gì mua đấy, đầu cơ không cần biết doanh nghiệp làm ăn ra sao, không ít nhà đầu tư đã gặp phải tình trạng thua lỗ, cổ phiếu giảm sàn, dù VN-Index vẫn liên tiếp lập đỉnh.
Tình trạng mua cổ phiếu theo tin đồn được “phím” diễn ra mạnh trong năm nay khi lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường tăng đột biến và đã vô số trường hợp nhận về cái kết “đắng”.
Điểm qua có thể kể tới thời gian quý 2/2021, sau thông tin liên quan đến danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine COVID-19, hàng loạt cổ phiếu dược phẩm bất ngờ “gây bão”, dù trên thực tế, hoạt động nhập khẩu vaccine được cho rằng không hề có lợi nhuận (hoặc rất ít).
Cá biệt nhất là cổ phiếu VMD khi liên tục tăng sốc sau thông tin ký hợp đồng với đối tác nước ngoài nhập khẩu vaccine COVID-19. Đây được xem là cổ phiếu có mức tăng “điên”, khi phi một mạch từ 25.000 đồng lên thẳng 82.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng tháng 8 năm nay.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh trên, thị giá cổ phiếu này bất ngờ quay đầu đổ dốc về vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu, qua đó tạo hình “cây thông” trên đồ thị kỹ thuật khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo nhưng vẫn không thể khớp lệnh. Nhiều nhà đầu tư “kẹp hàng” tại vùng đỉnh giá nhanh chóng bi “bốc hơi” một nửa tài khoản.
Cũng xuất phát từ “sóng” cổ phiếu dược song SJF của Đầu tư Sao Thái Dương lại từng dậy sóng hồi cuối tháng 7/2021, chỉ vì… nhầm tên thương hiệu.
Theo đó, Đầu tư Sao Thái Dương có lẽ đã bị hiểu nhầm với Công ty cổ phần Sao Thái Dương, đơn vị gây chú ý với 6 sản phẩm trong danh sách 12 loại thuốc cổ truyền được cho là hỗ trợ điều trị COVID-19 được Bộ Y tế giới thiệu. Giá cổ phiếu SJF của Đầu Tư Sao Thái Dương bất ngờ tăng liên tục từ vùng giá “trà đá” 3.100 đồng/cổ phiếu để lên 3.680 đồng/cổ phiếu
Khoảng cuối quý 3 cho đến nay, SJF ghi nhận những nhịp tăng mạnh, 11/12 phiên gần nhất đã tăng kịch trần tăng từ vùng mệnh 10.800 đồng/cổ phiếu lên đỉnh lịch sử 22.550 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gấp 2,1 lần chỉ sau khoảng nửa tháng giao dịch. Theo tìm hiểu, đà tăng phi mã này xuất phát từ lời đồn thổi chưa có căn cứ đó là khả năng Tập đoàn Hòa Phát sẽ thâu tóm, mua cổ phần SJF thông qua việc sản phẩm phù hợp với hướng đi mới của Hòa Phát.
Tuy vậy, gần đây khi trao đổi với giới truyền thông, chính đại diện của Hòa Phát cho biết sản phẩm này chưa đạt yêu cầu, mẫu mới thử lại chưa có kết quả. Đồng thời, Tập đoàn Hòa Phát cũng nhấn mạnh việc không có ý định M&A hay tham gia quản trị công ty nào về sản xuất ván tre gỗ ép.
Hay việc giá than thế giới liên tục leo tháng khiến kỳ vọng nhà đầu tư đổ dồn đến nhóm cổ phiếu “vàng đen” này. Thanh khoản tăng cao và giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng bằng lần chỉ trong thời gian ngắn giúp nhiều nhà đầu tư kiếm “đậm” khi nắm giữ như NBC, TVD, THT, TDN, TC6..
Tuy nhiên, hầu như biến động tích cực chỉ xuất phát từ tâm lý của nhà đầu tư. Nhìn vào kết quả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này, có thể nhận thấy sự thấy thường khi nhiều khoản lỗ, lỗ lũy kế vẫn đang hiện diện. Thậm chí, chưa có cơ sở vững chắc nào để xác định sự tác động của giá than quốc tế vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khi mà giá than trong nước vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, mức độ dao động không nhiều.
Ngoài ra, ít ai có thể quên cơn sóng cổ phiếu “họ Louis” như như BII, TGG, SMT, VKC, APG với hàng chục phiên tăng điểm kịch trần. Thậm chí, lãnh đạo hệ sinh thái còn có hẳn 1 nhóm trên mạng xã hội để đưa ra kỳ vọng, hô hào nhà đầu tư về tương lai xán lạn x2, x3 tài khoản.
Song, sự thật là không mất quá nhiều thời gian, nhóm cổ phiếu này đã đưa nhà đầu tư tham gia một chuyến tàu lượn siêu tốc khi lên đỉnh, đưa thị giá gấp hàng chục lần rồi nhanh chóng lao dốc không phanh với liên tiếp các phiên giảm sàn “trắng bên mua”. Đà giảm xuất hiện ngay sau khi UBCKNN thông báo sẽ điều tra hành vi thao túng giá cổ phiếu. Chỉ trong 1 tuần giao dịch, mức giảm của các cổ phiếu đều tính theo hàng chục %, liên tiếp nhiều phiên giảm kịch biên độ với dư bán tại giá sàn lên tới cả triệu cổ phiếu.
Thậm chí ngay gần đây, chính vị lãnh đạo từng viết tâm thư “đau xót khi nhín tài khoản cổ đông bay hơi mỗi ngày” cũng đã nhanh chóng bán thỏa thuận hết cổ phiếu nắm giữ rồi lập tức nộp đơn từ nhiệm tại TGG, bỏ mặc lại bao cổ đông đã lỡ “đu đỉnh”.
Nhiều nhà đầu tư không còn cơ hội quay lại thị trường.
Sự nở rộ của chứng khoán đã đem tới một lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân mới. Riêng trong tháng 10/2021, số lượng tài khoản mở mới đạt 129.751 tài khoản, 10 tháng đầu năm đạt 1,086 triệu tài khoản. Như vậy, bình quân mỗi tháng thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận hơn 108.600 tài khoản mới gia nhập. Sự bùng nổ gia nhập thị trường này bằng cả 4 năm trước đó cộng lại.
Số tài khoản mở mới đột biến trong 10 tháng năm 2021, bình quân mỗi tháng 108.000 tài khoản gia nhập thị trường chứng khoán Việt.
Làn sóng nhà đầu tư cá nhân nở rộ mặc dù đem lại sự thăng hoa cho thị trường chứng khoán, song đây phần lớn lại là những người trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức. Họ thậm chí chỉ đặt lệnh mua bán theo những lời mách bảo cùng với những kiểu thổi giá từ các nhóm “phím hàng” trên Facebook, Zalo…để rồi sau đó nhận về thua lỗ.
Không ít các nhà đầu tư mới gia nhập nhưng đã mất hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng chỉ vì rót tiền mua ba chữ cái theo lời “phím” mà không hiểu tại sao lại mua hay bán, cơ sở hay tính xác thực của những căn cứ. Việc các cổ phiếu đầu cơ tăng mạnh rồi bất ngờ trở lại giá trị thật sẽ “thổi bay” toàn bộ số tiền đã đổ vào mã cổ phiếu đó, nhà đầu tư thậm chí không còn cơ hội để quay lại thị trường một lần nữa.
Thị trường chứng khoán không phải là đỏ – đen như cờ bạc để nhà đầu tư đặt lệnh theo may rủi rồi cầu nguyện cho cổ phiếu tăng giá. Cần trang bị đầy đủ kiến thức, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp trước khi đầu tư mới có thể giúp chúng ta có cơ hội chiến thắng thị trường.
Nguồn: cafef.vn
Bài viết Nhà đầu tư chạy theo cổ phiếu vì những lời đồn thổi và cái kết “đắng” đã xuất hiện đầu tiên vào ngày TKSIC Chuyên gia tư vấn thiết kế nội thất hàng đầu Việt Nam.
source https://www.tksic.vn/nha-dau-tu-chay-theo-co-phieu-vi-nhung-loi-don-thoi-va-cai-ket-dang/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét