“Thị trường sẽ chưa có thoái trào ngay bởi dòng tiền mua bán chốt lời nhưng không có rút ra, dòng tiền khôn không biết để đi đâu cả, không biết để vào tài sản nào”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch đầy biến động với việc chỉ số VN-Index đã quay đầu điều chỉnh mạnh sau khi đạt mốc cao lịch sử vào đầu tuần. Tuy nhiên, VN-Index đã quay lại giảm điểm sâu cuối tuần và lùi về mức 1.452, thanh khoản vọt lên mức kỷ lục 54.000 tỷ đồng. Thanh khoản này trong phiên giảm sâu cho thấy nhà đầu tư cầm tiền sẵn sàng tung tiền “bắt đáy” cổ phiếu trong phiên khi có điều chỉnh.
Chúng tôi tiếp tục đưa góc nhìn của một số chuyên gia về xu hướng dòng tiền tuần tới sẽ luân chuyển, tập trung vào nhóm cổ phiếu nào.
Khó giảm sâu vì “tiền khôn” chốt lời cũng không biết đi đâu
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng tuần tới, xu hướng giảm điểm vẫn có thể tiếp tục. Dòng tiền phân hoá, áp lực bán sẽ tập trung ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, vì nhóm này đã bắt đầu cho những cảnh báo dấu hiệu rủi ro xác định đà giảm rồi. Cho nên, áp lực điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu này sẽ tương đối lớn từ đó tác động đến thị trường chung.
Tuy nhiên, có một điểm sáng đó là dòng tiền phân hoá, xảy ra ngược lại trong giai đoạn vừa rồi. Tức là trong lúc các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ tăng mạnh thì cổ phiếu vốn hoá lớn điều chỉnh và tích luỹ thì từ tuần tới có thể nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ tăng trở lại trong khi cổ phiếu vốn hoá nhỏ, vừa sẽ điều chỉnh. Việc dòng tiền luân phiên sẽ giữ cho thị trường điều chỉnh nhưng không bị giảm sâu.
Điểm tích cực nữa đó là thanh khoản rất lớn, đặc biệt phiên thứ 6 19/11 thanh khoản 3 sàn lên tới 54.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy lực cầu vẫn rất tốt. Các phiên rung lắc mạnh cũng có thể xảy ra khi thị trường tuần qua đã phát đi một số dấu hiệu giảm nhiệt ở những cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ. Một cơ số tiền đã rút ra khỏi nhóm vốn hoá vừa và nhỏ rồi. Một số nhà đầu đã kiếm được một số tiền sinh lời rất lớn có thể họ sẽ hiện thực hoá số tiền lời này. Thêm vào đó tình trạng căng margin ở nhiều công ty chứng khoán và nhiều cổ phiếu có thể đẩy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn.
Nhóm vốn hoá vừa và nhỏ có mức độ ảnh hưởng bởi thị trường rất lớn. VN30 đã có điều chỉnh nhiều phiên rồi, nhưng hai nhóm vừa và nhỏ thì chưa có sự điều chỉnh nhiều. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh nhiều, nhiều ngân hàng đã có P/B chiết khấu về 2. Do đó, dòng tiền tuần tới dòng tiền có thể xoay sang nhóm này.
Cổ phiếu dầu khí cũng có đà tăng khá đã nâng đỡ rất tốt cho thị trường trong giai đoạn vừa rồi nhưng ra giá dầu đang có rủi ro điều chỉnh cao. Do đó, ngoài áp lực điều chỉnh từ nhóm vốn hoá vừa và nhỏ thì nhóm dầu khí cũng có nguy cơ cao. Nhóm thép có thể sắp tìm được điểm cân bằng sau đà giảm mạnh vừa qua.
Thanh khoản tăng mạnh, mỗi khi thị trường giảm là có cầu rất mạnh khi mà đa phần nhà đầu tư vẫn đang “hăng máu”, có nhiều cổ phiếu kéo trần đầu phiên sau đó đạp đỏ thậm chí sàn, đây là một dạng phân phối dạng vòng cung, phân phối từ từ sau đó rớt thẳng đứng. Nhà đầu tư nên để ý dấu hiệu này ở một số cổ phiếu tăng nóng thời gian vừa qua. Thanh khoản 54.000 tỷ này cũng không biết là tiền lớn rút ra hay tiền bơm vào nên chưa thể nhận định rõ ràng.
Xét về VN-INdex có thể điều chỉnh trước, mức 1.480 điểm khó có thể vượt qua đỉnh này nay nhưng giảm sâu thì không có. Thị trường đang phân hoá rất lớn giữa các nhóm cổ phiếu, dòng tiền luân phiên nhau. Nhiều người trước đây cứ cho rằng VN-Index sẽ lùi về mức 1.200 thậm chí là 1.100, nhưng bản thân tôi nghĩ rằng thị trường sẽ chưa có thoái trào ngay bởi dòng tiền mua bán chốt lời nhưng không có rút ra, dòng tiền “khôn” không biết để đi đâu cả, không biết để vào tài sản nào nên dòng tiền trước mắt sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Phiên hôm thứ 6 cổ phiếu lớn đặc biệt là nhóm bank vẫn xanh mạnh bất chấp thị trường đỏ lửa, nâng đỡ giúp thị trường không đi vào giảm sâu. Về cơ bản, nhóm vốn hoá lớn đã điều chỉnh và tích luỹ rất lâu.
Trừ khi bây giờ Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất lên 14-15% hút tiền về kênh tiết kiệm thì chứng khoán mới gặp khó. Viễn cảnh này khó có thể xảy ra bởi hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát rất tốt dòng tiền tín dụng từ ngân hàng, ngăn tiền từ ngân hàng chảy vào bất động sản, chứng khoán.
Thời gian tới lãi suất có thể tăng dần nhưng dòng tiền từ thị trường chứng khoán sẽ được rút từ từ chứ không phải rút hết ngay lập tức bởi tỷ suất sinh lời hiện nay của thị trường, doanh nghiệp, vẫn cao hơn nhiều so với kênh gửi tiết kiệm.
Điều chỉnh nhẹ 1-2 phiên, trường hợp tệ nhất là 3%
Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)
Trong tuần vừa qua, thị trường đã có 2 phiên biến động khá lớn với mức độ biến động càng rõ nét hơn trong phiên thứ 6 vừa qua phản ánh tín hiệu rủi ro về một khả năng điều chỉnh chung đang gia tăng sau khi nhiều cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua. Việc tăng nóng của một số nhóm cổ phiếu đã đẩy mặt bằng định giá tương đối P/B của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lên 2,76 và 2,78 – đều là mức cao nhất trong 5 năm qua, do đó việc điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn đến khi trở về vùng giá hấp dẫn hoặc các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp bắt kịp.
Ngoài ra nhà đầu tư cũng nên lưu ý một số rủi ro trong giai đoạn cuối năm vẫn còn hiệu hữu như áp lực lạm phát khiến dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều tăng, dịch bệnh tái bùng phát … vẫn đang hiện hữu.
Mặc dù vậy, điểm tích cực thị trường chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu hiện nay, điều này được phản ánh qua số lượng tài khoản mới mới vẫn gia tăng rõ rệt trong 2 tháng vừa qua giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lập nên những ngưỡng kỷ lục mới.
Với việc dòng tiền vẫn đang duy trì tốt và còn ở lại thị trường nên trong tuần tới tôi thiên về kịch bản thị trường chứng khoán sẽ dao động với những nhịp tăng/giảm đan xen trong đó sẽ có sự luân chuyển dòng tiền lớn giữa các nhóm cổ phiếu. Theo đó dòng tiền sẽ tiếp tục xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu Bluechips, tiếp theo có thể là nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, logistics, cổ phiếu phòng thủ.
Về điểm số, thị trường có rủi ro nhưng rất khó để giảm sâu, điều chỉnh sẽ diễn ra nhanh hơn so với trước đây vì thị trường đã được mở thanh khoản nên sẽ diễn ra trong 1-2 phiên, biên độ không quá 3% đó là trường hợp tệ nhất. Tuy nhiên, vì đại dịch ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên sàn do đó đà tăng trưởng có thể chậm lại nên thị trường sẽ chiết khấu PE về mức hợp lý.
Về cổ phiếu, tôi nghĩ thị trường sẽ phân hoá, nhóm bluechips giờ giá không hẳn đắt so với thị trường chung.
Sẵn sàng “xuống tiền”
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Chỉ số VN-Index đã có phiên tăng 3,2 điểm đầu tuần và đạt mốc cao lịch sử tại 1.476,6 điểm. Sau đó, chỉ số này đã có những phiên rung lắc xen kẽ và kết thúc tuần bằng một phiên điều chỉnh mạnh, chốt tuần tại mức 1.452,4 điểm, giảm 1,43% tương đương 21 điểm so với cuối tuần trước. Trái ngược với diễn biến tiêu cực của VN-Index, chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index có tuần giao dịch tích cực với mức tăng lần lượt là 2,8% và 2,3% so với cuối tuần trước và đóng cửa tại 453,97 và 113,24 điểm.
Tuần qua, thanh khoản thị trường đã tăng mạnh trong bối cảnh áp lực chốt lời gia tăng. Cụ thể, thanh khoản bình quân phiên trên 3 sàn tăng mạnh 12% từ 38,752 tỷ đồng/phiên lên 43,414 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn Hose với giá trị đạt 1.188 tỷ đồng (-4,8% so với tuần trước). Trong khi đó, trong bối cảnh sàn HNX-Index đã tăng điểm liên tiếp những tuần qua, khối ngoại có dấu hiệu gia tăng hoạt động chốt lời khi tăng gấp 4 lần giá trị bán ròng so với tuần trước, lên mức 102 tỷ đồng.
Thị trường trải qua một tuần giao dịch tiêu cực với việc áp lực chốt lời gia tăng mạnh. Tôi cho rằng đà giảm của thị trường có thể tiếp diễn trong một vài phiên đầu tuần trước khi bình ổn trở lại vào cuối tuần. Chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng hỗ trợ 1.420-1.435 điểm trước khi phục hồi trở lại.
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt lớn có thể đợi các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế như tiêu dùng, bán lẻ, điện.
Nguồn: cafef.vn
Bài viết Góc nhìn chuyên gia: Thanh khoản kỷ lục 54.000 tỷ, thị trường khó giảm sâu vì “tiền khôn” chốt lời cũng không biết đi đâu đã xuất hiện đầu tiên vào ngày TKSIC Chuyên gia tư vấn thiết kế nội thất hàng đầu Việt Nam.
source
https://www.tksic.vn/goc-nhin-chuyen-gia-thanh-khoan-ky-luc-54-000-ty-thi-truong-kho-giam-sau-vi-tien-khon-chot-loi-cung-khong-biet-di-dau/