Tính chung từ đầu năm 2021 đến hết phiên 30/12/2020, có tới 32/33 cổ phiếu công ty chứng khoán ghi nhận mức tăng ba chữ số phần trăm. Minh chứng dễ thấy nhất là việc không còn cổ phiếu chứng khoán nào có thị giá dưới mệnh vào thời điểm cuối năm 2021 trong khi con số này hồi đầu năm lên tới 21 mã.
Thị trường chứng khoán có thêm một phiên giao dịch cuối năm trong tâm thế giằng co, chỉ số chính của thị trường VN-Index dao động trong biên độ hẹp cùng thanh khoản ghi nhận sụt giảm chỉ còn khoảng 22.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên HoSE. Lực mua gia tăng mạnh vào thời điểm cuối phiên VN-Index hồi phục lên trên mức tham chiếu, qua đó kết phiên nhích nhẹ 0,15 điểm (0,01%) lên 1.485,97 điểm.
Diễn biến tích cực hơn đôi chút trên HNX và UPCoM, kết phiên HNX-Index tăng 3,16 điểm (0,83%) lên 461,65 điểm và UPCom-Index tăng 0,65% lên 111,48 điểm.
Diễn biến “sideway” của thị trường chứng khoán vào cuối năm đã được các chuyên gia dự báo trước đó. Cụ thể, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường cuối năm sẽ có hai áp lực bán lớn vào cuối năm, gồm việc bán ròng của khối ngoại và hoạt động cơ cấu mảng cho vay margin của các công ty chứng khoán. Song, về cơ bản thì những tác động này sẽ không quá lớn. Do đó, ông Minh cho rằng kịch bản của một nhịp chỉnh sâu là khó xảy ra, VN-Index sẽ đi ngang trong một vài phiên đầu tuần và bứt phá tốt, tiệm cận ngưỡng cản 1.500 điểm vào những phiên giao dịch cuối tuần.
Chung quan điểm, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho biết xét trong quá khứ thì thị trường những tuần cuối năm không biến động lớn, mặt khác ông Điệp cho rằng xác thấp giảm sẽ rất thấp. Theo đó, chỉ số sẽ chỉ dao động đi ngang quanh ngưỡng 1.470-1.480 điểm và động lực bứt phá lên ngưỡng 1.500 điểm có lẽ là câu chuyện giành sang cho năm 2022.
Giữa bối cảnh ảm đạm chung của thị trường, cổ phiếu chứng khoán bất ngờ trở thành tâm điểm trong phiên 30/12 hôm nay khi đồng loạt tăng mạnh, thậm chí tăng kịch trần đặc biệt tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Theo thống kê, TCI giao dịch trên UPCoM nên ghi nhận mức tăng 14,6% lên mức 22.800 đồng/cổ phiếu, WSS trên sàn HNX tăng 9,9% lên 17.700 đồng/cổ phiếu, HBS tăng 9,8% lên mức 16.800 đồng/cổ phiếu APS “tím lịm” khi tăng 9,9%; ngoài ra PSI và VIG cùng ghi nhận mức tăng 9,7% vào thời điểm đóng cửa phiên..
Một số cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh trên HNX, tiệm cận với mức giá trần trong phiên hôm nay còn có SBS (8,8%), VFS (8,8%), IVS (8,6%), MBS (7,9%), BVS (7,6%).
Sàn HoSE – nơi cho phép biên độ +/- 7% cũng ghi nhận loạt cổ phiếu “tím ngắt” như CTS tăng 7% lên 46.050 đồng/cổ phiếu, APG tăng 7% lên 20.650 đồng/cổ phiếu, BSI tăng 7% lên 42.300 đồng/cổ phiếu, AGR, ORS hay VIX cũng tăng hết biên độ 6,9%.
Ở nhóm vốn hóa lớn hơn, VND hôm nay tăng mạnh 4,8% lên mức 82.800 đồng/cổ phiếu; tương tự HCM tăng 4,4% lên mức 45.950 đồng/cổ phiếu; VCI tăng 2,9% lên 73.900 đồng/cổ phiếu trong khi SSI bứt phá hơn khi tăng 5,9% lên 52.600 đồng/cổ phiếu. Nhờ mức tăng tốt này, SSI trở thành “công thần” lớn nhất khi giúp VN-Index tăng 0,74 điểm; bên cạnh đó VND cũng đóng góp thêm 0,42 điểm tăng cho thị trường hôm nay.
Quán quân tăng điểm trong ngành ghi nhận mức tăng gấp hơn 9 lần so với đầu năm
Như vậy, trong phiên cận cuối của năm 2021, cổ phiếu chứng khoán bứt phá như một cái kết đẹp cho ngành chứng khoán trong năm 2021.
Thống kê cho thấy, tính chung từ đầu năm 2021 đến hết phiên 30/12/2020, có tới 32/33 cổ phiếu công ty chứng khoán ghi nhận mức tăng ba chữ số phần trăm. Minh chứng dễ thấy nhất là việc không còn cổ phiếu chứng khoán nào có thị giá dưới mệnh vào thời điểm cuối năm 2021 trong khi con số này hồi đầu năm lên tới 21 mã.
Quán quân tăng điểm gọi tên mã APS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, khởi động năm 2021 với mức giá chỉ 4.300 đồng/cổ phiếu, sau 12 tháng giao dịch, cổ phiếu APS ghi nhận mức tăng lên tới 809%, dần khép lại năm 2021 tại mức 38.900 đồng/cổ phiếu. Cũng cần nói thêm rằng đây không phải mức giá cao nhất mà cổ phiếu APS ghi nhận trong năm 2021, thị giá hiện tại đã giảm khoảng 35% kể từ mức đỉnh được thiết lập trong phiên 18/11 là 59.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng… 1.300% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, cũng với lợi thế thị giá ở mức thấp hơn mệnh, qua đó thu hút dòng tiền đầu cơ hơn, những cổ phiếu như VIG, BMS, EVS, ART, WSS, HBS, TCI, SBS, AAS, PSI, ORS,.. ghi nhận mức tăng từ 200% trở lên so với mức giá hồi đầu năm 2021.
Trong khi đó, các cổ phiếu công ty đầu ngành cùng chung diễn biến thăng hoa, VND của Chứng khoán VNDIRECT tăng tích cực nhất khi tăng tới 347% lên mức 82.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VND “lăn chốt” thành công qua đợt chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1 hồi tháng 6/2021, thị giá tăng đều đặn để từ một “midcap” không quá nổi bật với vốn hóa chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng để bứt phá để trở thành “bluechip tỷ đô” trên sàn chứng khoán.
“Khiêm tốn” hơn, thị giá SSI ghi nhận mức tăng 136% lên mức 52.600 đồng/cổ phiếu trong phiên 30/12/2021. Mức giá này đã chỉnh nhẹ 6% kể từ mức đỉnh 55.900 đồng/cổ phiếu (phiên 30/11). Trong năm 2021, SSI là công ty chứng khoán “siêng” phát hành cổ phiếu nhất, gần nhất là kế hoạch chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 và sau đó là chào bán hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Hoàn tất các đợt phát hành này, vốn điều lệ SSI có thể tiếp tục tăng lên mức 15.961 tỷ đồng, củng cố vị trí công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường.
Điểm tên một số cổ phiếu công ty chứng khoán “có tiếng”, VCI tăng 166% sau 1 năm đạt 73.900 đồng/cổ phiếu, còn HCM tăng 98%, gần gấp đôi sau 1 năm để kết phiên 30/12 đạt mức 45.950 đồng/cổ phiếu.
Có thể thấy, đà tăng trong năm 2021 của cổ phiếu chứng khoán tập trung vào khoảng quý 2 và quý 3/2021. Giữa bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng mặt bằng lãi suất thấp, chứng khoán nổi lên là kênh đầu tư hấp dẫn trong tương quan với các kênh khác như tiết kiệm, vàng hay bất động sản. Các công ty chứng khoán được đánh giá là nhóm “thượng nguồn” hưởng lợi khi hút về doanh thu khổng lồ từ thu phí giao dịch, môi giới chứng khoán, tự doanh…
Ngoài ra, các đợt “game” tăng vốn của công ty chứng khoán nhằm đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, đặc biệt tình trạng căng margin chính là liều “dopping” thổi thêm vào giá cổ phiếu ngành.
Xét theo một khía cạnh nào đó, Như một vòng tuần hoàn, nguồn vốn huy động của công ty chứng khoán sẽ tiếp tục được “bơm” vào thị trường. Lực cầu từ đây sẽ có động lực để gia tăng mạnh, qua đó có thể đưa thị trường leo thêm những bậc thang mới về thanh khoản cũng như điểm số, và các công ty chứng khoán sẽ là những thành phần hưởng lợi đầu tiên từ sự thăng hoa này.
Sức tăng tốt của cổ phiếu đã đưa vốn hóa thị trường của các công ty chứng khoán tăng mạnh. Hiện tại, thị trường ghi nhận 3 công ty chứng khoán có mức vốn hóa tỷ đô là Chứng khoán SSI với 48.773 tỷ đồng, VNDIRECT với 36.013 tỷ đồng và Chứng khoán Bản Việt với 24.605 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu xét cả các công ty chứng khoán chưa niêm yết thì phải kể tới Chứng khoán Techcombank với lợi nhuận thu về hiện đứng đầu ngành hay Chứng khoán VPS với thị phần môi giới top 1.
Danh sách các công ty có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng có thể kể tới là Chứng khoán TP HCM (HCM, 21.009 tỷ đồng), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS, 15.808 tỷ đồng), Chứng khoán MB (MBS, 10.168 tỷ đồng).
Bài viết Cổ phiếu chứng khoán chợt “nổi sóng”, khép lại năm thăng hoa với quán quân tăng tới 809%, thấp nhất là HCM chỉ tăng được 98% đã xuất hiện đầu tiên vào ngày TKSIC - Đầu Tư Và Tích Lũy Thông Minh.
source https://tksic.vn/co-phieu-chung-khoan-chot-noi-song-khep-lai-nam-thang-hoa-voi-quan-quan-tang-toi-809-thap-nhat-la-hcm-chi-tang-duoc-98/