“Khi lạm phát gia tăng, tổng cầu sẽ suy giảm, làm cho việc tiêu thụ hàng hóa trở nên khó khăn, lãi suất tăng cao, làm cho đầu tư và tiêu dùng cũng bị hạn chế, điều này làm cho viễn cảnh nền kinh tế trở nên khó khăn hơn”.
Những ngày cuối tháng 10 là những ngày vui giới đầu tư chứng khoán Việt khi VN-Index mỗi ngày lập một đỉnh mới – thiết lập mức 1.444 điểm thuyết phục với dòng tiền cực lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư Việt đang lo lắng về nguy cơ lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán những tháng cuối năm.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về mối quan hệ giữa lạm phát và chứng khoán với ông Vicente Nguyễn – Quản lý Quỹ AFC Vietnam Fund.
PV: Chào ông, gần đây thấy ông nhắc nhiều đến lạm phát thậm chí là “siêu lạm phát”. Nhưng điều đó dường như là chuyện của thế giới, Việt Nam CPI tháng 10 vẫn giảm 0,2% so với tháng 9. Ông dự báo bao giờ lạm phát của Việt Nam sẽ tăng, thậm chí có “siêu lạm phát” như ông nói?
Ông Vicente Nguyen: Trước tiên chúng ta cần hiểu cách tính chỉ số CPI của Việt Nam gồm 2 yếu tác động lớn:
1. Giá lương thực thực phẩm chiếm gần 40% rổ CPI,
2. Giá được thu thập trên phạm vi cả nước tức 63 tỉnh thành
Trong tháng 10, chỉ số CPI của Việt Nam giảm nhẹ so với tháng 9 là do tác động của đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam, khi nhiều tỉnh thành bị phong tỏa trước đó mở cửa dần giúp cho giá thực phẩm giảm nhẹ do lưu thông hàng hóa tốt hơn. Dù vậy, việc lưu thông hàng hóa trên phạm vi toàn quốc vẫn gặp nhiều khó khăn, làm cho giá một số loại sản phẩm nông nghiệp như thịt, rau củ quả (tác động lớn đến giá thực phẩm) tại các tỉnh thành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề làm giá bán giảm đáng kể, đặc biệt là thịt heo. Tuy nhiên điều này sẽ sớm kết thúc khi cả nền kinh tế mở cửa lại toàn bộ, lượng tồn kho cũ được tiêu thụ hết, và sản lượng sản xuất mới dựa trên chi phí mới được lưu thông thì đó chính là lúc áp lực lạm phát lên toàn bộ nền kinh tế sẽ rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam thường có độ trễ từ 3-6 tháng so với chuyển biến kinh tế thế giới, do đó tôi cho rằng lạm phát có thể bắt đầu tăng mạnh vào tháng 12/2021 và đầu năm 2022.
Còn viễn cảnh siêu lạm phát thì chúng ta cần phải theo dõi sát sao tình hình trên toàn cầu liệu giá cả năng lượng có được giảm bớt hay không và chuỗi cung ứng có được hàn gắn hay không, nếu 2 yếu tố này tiếp tục trở nên nghiêm trọng thì viễn cảnh siêu lạm phát hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, Việt Nam cũng khó mà tránh được ảnh hưởng.
PV: Vậy lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế nào, thưa ông?
Ông Vicente Nguyen: Thông thường khi lạm phát hay siêu lạm phát gia tăng thì sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán làm cho thị trường chứng khoán bị điều chỉnh. Vì khi lạm phát gia tăng, tổng cầu sẽ suy giảm, làm cho việc tiêu thụ hàng hóa trở nên khó khăn, lãi suất tăng cao, làm cho đầu tư và tiêu dùng cũng bị hạn chế, điều này làm cho viễn cảnh nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Đó là diễn biến thường xảy ra. Và thông thường lạm phát gia tăng, thị trường chứng khoán sẽ diễn biến theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Lạm phát tăng cao, nhưng các chính sách thắt chặt tiền tệ, cụ thể là lãi suất chưa tăng, thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa, vì giá hàng hóa tăng làm cho doanh thu và lợi nhuận của những doanh nghiệp này cũng tăng trước mắt, nên dòng tiền sẽ đổ vào đây.
Tuy nhiên, đến giai đoạn thứ 2, khi các Chính phủ thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát mà tăng lãi suất thường là công cụ hữu hiệu nhất, thì khi đó thị trường chứng khoán sẽ bắt đầu điều chỉnh. Khi đó nhà đầu tư nên tái cơ cấu danh mục sang những dòng cổ phiếu có thể có lợi trong hoàn cảnh này ví dụ như bảo hiểm, hoặc những doanh nghiệp có tiền gửi lớn tại ngân hàng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng đầu thời kỳ manh nha của lạm phát chính là lúc các tài sản tăng giá “điên cuồng”? Phải chăng chúng ta đang sống trong những ngày đó mà không hề nhận ra?
Ông Vicente Nguyen: Khi lạm phát gia tăng thì giá hàng hóa sẽ tăng mạnh đó là điều hiển nhiên. Ngoài ra, khi lạm phát gia tăng có nghĩa là giá trị và sức mua của đồng tiền bị giảm đi, do đó nhà đầu tư hay thậm chí người dân bình thường sẽ có xu hướng chuyển tiền mặt sang các kênh hàng hóa và cả tài sản để cất trữ nhằm bảo vệ giá trị tài sản của mình. Đó cũng chính là lý do vì sao, trong viễn cảnh siêu lạm phát thì giá vàng lại tăng lên một cách mạnh mẽ. Vì nhà đầu tư thường tìm đến đó như một kênh ẩn nấp và bảo vệ tài sản. Ngoài vàng thì các kênh tài sản khác cũng được xem xét như cổ phiếu, hay đất đai. Do đó, trong giai đoạn này giá hàng hóa và giá tài sản tăng cao là chuyện dễ hiểu.
PV: Khẩu vị đầu tư của AFC Vietnam Fund trong thời kỳ nguy cơ lạm phát tăng cao sắp tới?
Ông Vicente Nguyen: Chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn và có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Hầu hết những cổ phiếu trong danh mục chúng tôi nắm giữ có thời hạn 3-5 năm. Chúng tôi cho rằng, lạm phát là một diễn biến ngắn hạn thường là 1 năm hoặc 1-2 năm là hết cỡ, do đó chúng tôi vẫn nắm giữ rất nhiều cổ phiếu của Việt Nam vì tin tưởng rằng nền kinh tế vẫn rất sáng sủa trong dài hạn.
Trong ngắn hạn chúng tôi cũng dự báo rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới do đó chúng tôi đã chủ động gia tăng cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực hàng hóa, tiêu dùng và đặc biệt là bảo hiểm. Vì khi lạm phát gia tăng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải áp dụng biện pháp tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, do đó những doanh nghiệp như bảo hiểm sẽ được hưởng lợi lớn vì hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều gửi hàng nghìn tỷ trong ngân hàng. Tuy là thế nhưng chúng tôi chỉ ưa thích các cổ phiếu chưa tăng, thậm chí có thành tích kém so với toàn thị trường và đặc biệt phải được định giá thấp, vì những cổ phiếu này sẽ có dư địa tăng mạnh trong thời gian tới khi dòng tiền sẽ cố gắng đi tìm những dòng cổ phiếu chưa tăng và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
PV: Được biết, AFC là quỹ thường xuyên trong tình trạng “full hàng”. Hẳn là quỹ đặt cược vào triển vọng đi lên của chứng khoán Việt Nam rất lớn?
Ông Vicente Nguyen: Như tôi có nói như trên, chúng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam do đó luôn duy trì tỷ trọng cổ phiếu rất cao trong danh mục. Vì chúng tôi tin rằng, Việt Nam đang ở vị thế rất thấp so với nền kinh tế thế giới nhưng tiềm năng tăng trưởng lại rất cao. Đặc biệt đại dịch này cũng lấy đi nhiều thứ của Việt Nam nhưng cũng cho Việt Nam rất nhiều cơ hội khi các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của Việt Nam. Việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư và sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cho thấy sự tin tưởng đó. Nếu bạn so sánh GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 3000$/người/năm so với bình quân trong khu vực và thế giới thì còn một khoảng cách rất xa, nên tiềm năng tăng lên là rất lớn. Việt Nam có dân số trẻ, con người nhiệt huyết, đầy năng lượng sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam vươn lên. Hơn nữa khi quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng lên mạnh mẽ đến một mức đủ lớn thì tăng trưởng sẽ rất cao và đột phá.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam thì tôi tin rằng chúng ta chỉ đang ở mức bắt đầu của sự tăng trưởng dài hạn. Nếu trong 2 năm qua chúng ta thấy số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở như vũ bão và vượt mức 3 triệu tài khoản thì trong tương lai chúng ta sẽ thấy đây là con số vô cùng nhỏ nhoi. Hiện tại số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam chỉ khoảng 3% dân số, nếu bạn so sánh với Đài Loan khoảng hơn 90% thì 3% chỉ là mức của Đài Loan cách đây hơn 30 năm. Chỉ riêng điều này cho thấy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
PV: Hiện nay các công ty chứng khoán đa phần margin đã căng, kể cả công ty chứng khoán ngoại, một số công ty đã “cut margin” của nhiều cổ phiếu. Nguồn cung margin đang bị hạn chế trước nhu cầu rất lớn của thị trường. Trong khi đó, VN-Index có cú vượt đỉnh mọi thời đại, mỗi ngày chinh phục một mốc mới. Một thị trường được đi lên bằng những “khoản vay nợ” theo ông có bền vững?
Ông Vicente Nguyen: Cá nhân chúng tôi là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng margin, nên thực sự chúng tôi không nắm thông tin này quá nhiều. Nhưng yếu tố margin là yếu tố mang tính kỹ thuật trong ngắn hạn chứ không phải dài hạn.
Lớp nhà đầu tư F0 mới cũng rất nhiều trong số đó không sử dụng margin. Nên khó lòng đánh giá hết tác động của việc này, có chăng nó là tác động mang tính tâm lý. Bởi khi thông tin được chia sẻ trên phương tiện truyền thông thì những nhà đầu tư sẽ bắt đầu đoán già, đoán non, nhưng theo kinh nghiệm của tôi cho thấy, khi họ bắt đầu đoán thì đó là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn bởi những món hàng rẻ vô lý được bán tháo trên thị trường.
Còn về thông tin không margin theo tôi được biết thì FiinGroup có thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 8, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán ước đạt 90 nghìn tỷ đồng, đó là chưa tính số tiền gửi của các nhà đầu tư nước ngoại tại ngân hàng lưu ký. Bởi như bạn biết, trong mấy tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng miệt mài cả tỷ đô la. Chính vì vậy, đối với chúng tôi mà nói, nhưng sự điều chỉnh kỹ thuật do yếu tố tâm lý full margin là cơ hội gom hàng hơn là rủi ro vì chúng ta đều đã chứng kiến thị trường tăng lại mạnh mẽ sau đó trong thời gian rất ngắn.
PV: Việt Nam đã tiêm phủ vắc xin cho dân ở nhiều thành phố lớn, thời điểm này vắc xin về rất nhiều cùng với nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Được biết, Chính phủ đang thảo luận về một chương trình phục hồi kinh tế rất lớn. Theo ông, sau dịch bệnh, các chương trình phục hồi kinh tế, các gói kích thích nên tập trung vào đâu để để tránh các vết xe đổ trong quá khứ?
Ông Vicente Nguyen: Thật sự đại dịch Covid-19 là sự kiện trăm năm có một, nên nó diễn biến theo những xu hướng rất khó đoán. Hiện tại nền kinh tế của Việt Nam đang bị ảnh hưởng và Chính phủ cần kịp thời tung ra gói kích thích để kéo nền kinh tế đang bị mất đi động lực quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ vốn có của nó.
Nếu bạn nhìn vào cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021, thì dễ dàng nhận ra yếu tố bị tác động mạnh nhất chính là tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm nay giảm mạnh 8,6%, còn nếu loại trừ yếu tố giá thì con số này giảm tới hơn 10,3%, đây là năm thứ 2 liên tiếp tổng cầu giảm mạnh. Đó là điều khó có thể chấp nhận đối với một nền kinh tế trẻ đầy sức sống như Việt Nam.
Do đó chúng tôi cho rằng, một trong những yếu tố cần kích thích đó chính là tiêu dùng. Thứ hai là xây dựng thông qua các công trình hạ tầng trọng điểm để gia tăng tiềm lực kinh tế trong dài hạn và trong ngắn hạn thì tạo ra công ăn việc làm và kích cầu tiêu dùng. Còn về lo lắng rằng kinh tế sẽ lặp lại như giai đoạn 2008-2009, tôi cho rằng nó sẽ không xảy ra vì 2 lý do sau:
Một là, quy mô và vị thế nền kinh tế đã thay đổi đáng kể so với 2008-2009. Nếu giai đoạn 2008-2009, nền kinh tế của chúng ta ở vị thế khá yếu khi thâm hụt thương mại diễn ra trong nhiều năm và ngày càng trầm trọng, thì những năm trở lại đây, chúng ta đã có thặng dư thương mại. Dự trữ ngoại hơn cũng vươn lên hơn 10 lần đạt con số 100 tỷ USD, so với mức chỉ 9-10 tỷ USD của hơn 10 năm trước. Vị thế thương trường quốc tế của Việt Nam đã tăng lên mạnh mẽ. Tính từ 2009, chúng ta đã ký hơn 10 hiệp định kinh tế với các khu vực kinh tế lớn trên thế giới như CPTPP, EUVFTA, UKVFTA, RCEP…
Hai là, kinh nghiệm lèo lái kinh tế của Việt Nam đã khác xưa. Nếu 2008 là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầu tiên mà chúng ta phải thật sự đối mặt, thì sau hơn 10 năm kinh nghiệm lèo lái kinh tế của chúng ta đã hoàn toàn khác xưa. Trong bộ máy điều hành chính phủ có rất nhiều nhân sự trẻ và kiến thức sâu và đặc biệt trải qua cuộc khủng hoảng 2008, thì Việt Nam đã tích lũy một lượng kiến thức cũng như kinh nghiệm để né được vết xe đổ đó.
Xin cám ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: cafef.vn
Bài viết “Bữa tiệc chứng khoán” có tàn khi thêm gia vị lạm phát? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày TKSIC Chuyên gia tư vấn đầu tư chứng khoán hàng đầu Việt Nam.
source https://www.tksic.vn/bua-tiec-chung-khoan-co-tan-khi-them-gia-vi-lam-phat/